GIỎ HÀNG CỦA TÔI
0 SẢN PHẨM
TỔNG TIỀN:
0₫
TUYỆT VỜI!! Sản phẩm của bạn đã được thêm vào giỏ hàng
9+ hoạt động ngày Tết mang đậm nét cổ truyền Việt Nam

9+ hoạt động ngày Tết mang đậm nét cổ truyền Việt Nam

9+ hoạt động ngày Tết mang đậm nét cổ truyền Việt Nam

Tết là dịp để người Việt chuẩn bị chào đón năm mới với những hoạt động cổ truyền thống đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, bạn có biết vì sao người ta thực hiện các hoạt động này vào mỗi dịp Tết đến xuân về không? Cùng Biluxury tìm hiểu 9 hoạt động ngày Tết phổ biến nhất của người Việt để đón một năm mới trọn vẹn niềm vui, mang may mắn, tài lộc đến với gia đình.  

1. 9 hoạt động không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt Nam

Trước Tết là thời điểm để mọi người sắp xếp và hoàn thành các công việc, chuẩn bị tươm tất cho những điều mới đầy may mắn. Không khí những ngày cuối năm tràn ngập niềm vui khi nhà nhà tất bật chuẩn bị đón năm mới với các phong tục truyền thống, mang đến sự ấm áp bên gia đình. Dưới đây là 9 hoạt động không thể thiếu để khởi đầu năm Ất Tỵ với thật nhiều hứng khởi và tài lộc. 

1.1. Cúng ông Công, ông Táo

Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo trông coi các hoạt động trong gia đình, ngăn cản những điều không tốt làm ảnh hưởng đến tổ ấm, giữ bình yên cho các thành viên trong nhà.

Cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch) hàng năm 

  • Địa điểm tổ chức: Tại nhà

Cúng ông Công ông Táo là nghi lễ để đưa tiễn Táo quân về chầu trời. Đây cũng là dịp để các gia đình cúng mâm cơm, thể hiện lòng thành kính và tôn trọng tới gia tiên và những vị thần bảo vệ gia đình. Vì vậy, ngày này còn được gọi là "Tết ông Công". Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả.

1.2. Gói bánh chưng, bánh dày

Các gia đình cùng nhau chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong để gói bánh. Bánh chưng, bánh dày không chỉ mang trong mình hương vị của ngày Tết cổ truyền mà gói trọn trong đó còn là những tinh hoa của nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc ta.

Gia đình quây quần gói bánh chưng ngày Tết

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Từ 25 tháng 12 (hay còn gọi là tháng Chạp) trở đi mọi người chuẩn bị nguyên vật liệu. Đến ngày 30 Tết, nhà nhà quây quần gói và luộc bánh chưng, bánh dày để cúng. 

  • Địa điểm tổ chức: Tại nhà

Người ta vẫn thường truyền tai nhau: “Gói bánh chưng mới có không khí Tết”. Quả thật là vậy, cả nhà quây quần từ khâu chuẩn bị: rửa lá, ngâm gạo đến công đoạn chế biến và phân công việc cho từng thành viên trong gia đình. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, Hương vị Tết xưa cũng dần thay đổi, nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều gia đình lưu giữ hoạt động cổ truyền này. 

1.3. Dọn bàn thờ và bày mâm ngũ quả

Để chuẩn bị cúng gia tiên, các gia đình Việt thường dọn dẹp bàn thờ gọn gàng và bày mâm ngũ quả gồm 5 loại hoa quả có màu sắc may mắn như đỏ (may mắn phú quý) hay vàng (sung túc). Mâm quả không được dùng hoa quả giả bằng nhựa, các loại quả đều phải là loại ăn được và thông dụng, đẹp mắt, không bị sâu hoặc dập. 

Tùy thuộc vào mỗi vùng miền, người dân sẽ bày biện các loại quả mang ý nghĩa khác nhau. Với miền Bắc, mâm ngũ quả được bày theo văn hóa phương Đông gồm Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng) với 5 loại quả là Phật thủ/chuối, bưởi, đào, hồng xiêm, quýt. 

Mâm ngũ quả miền Bắc

Khác với miền Bắc, mâm ngũ quả miền gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, tượng trưng cho “cầu vừa đủ xài sung” và kiêng kỵ chưng loại quả như chuối - chúi nhủi, cam - cam chịu, lê - lê lết, sầu riêng, bom (táo),... 

Mâm ngũ quả miền Nam

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Ngày 28 tháng Chạp âm lịch 

  • Địa điểm tổ chức: Tại nhà

Dọn bàn thờ và bày trí mâm ngũ quả là một phong tục truyền thống, thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên và nguồn cội. Mâm ngũ quả, dù mang đặc trưng khác nhau giữa các vùng miền, đều gửi gắm ước vọng về một năm mới an khang, hạnh phúc và sung túc. Biểu tượng "ngũ" trong mâm quả tượng trưng cho sự sống, sự phát triển và sinh sôi. Do đó, mâm ngũ quả ý chỉ cầu chúc gia đình làm ăn phát tài, phát lộc và đủ đầy trong năm mới.

1.4. Cúng tất niên

Lễ cúng tất niên thường được người dân cả nước chuẩn bị kỹ lưỡng từ văn khấn, mâm cúng đến vàng mã, áo binh và tiền giấy để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tới ông bà, tổ tiên. Đây là thời khắc đánh dấu sự kết thúc năm cũ và chào đón năm mới khi các thành viên trong gia đình quây quần, sum họp sau một năm bận rộn. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, mâm cúng tất niên có sự khác biệt văn hóa rõ rệt.

Mâm cúng tất niên miền Bắc thường có quy chuẩn rõ ràng về số lượng bát, đĩa (4, 6, hoặc 8) với các món như giò heo hầm măng, bóng thả, miến, mọc, giò lụa, chả quế, thịt gà, và thịt heo.

Mâm cúng tất niên miền Bắc

Người miền Nam lại chuộng các món nguội, nổi bật là bánh tét, thịt kho tàu, canh khổ qua nhồi thịt, gỏi tôm thịt, củ cải ngâm nước mắm, củ kiệu, dưa giá, nem, và chả giò, thường dùng để cúng ông bà tổ tiên.

Mâm cúng tất niên Nam Bộ

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Cúng tất niên có thể cúng vào 30 tháng Chạp nếu là năm đủ và 29 tháng Chạp nếu là năm thiếu. Tuy nhiên, những người kinh doanh thường bắt đầu làm lễ cúng tất niên sớm từ ngày 26 tháng chạp để không trùng ngày cúng tại gia.

  • Địa điểm tổ chức: Tại nhà và cơ quan công ty

1.5. Xuất hành và xông đất

Người Việt Nam tin rằng sau đêm giao thừa, những điều không may sẽ qua đi, nhường chỗ cho niềm hy vọng mới về một khởi đầu tươi sáng và sự thịnh vượng. Vì vậy, các hoạt động sau thời khắc này như xuất hành và xông đất đầu năm mang ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa người Việt. 

Đối với xuất hành đầu năm, đây là hoạt động đi hái lộc để cầu may mắn sau giao thừa. Do đó, bạn nên chọn hướng xuất hành tốt tùy thuộc theo từng năm để thực hiện hoạt động này. Không những vậy, thời điểm xuất hành cũng ảnh hưởng tới hoạt động này nên bạn cần chọn ngày và giờ đẹp để có 1 năm may mắn.

Thời điểm và hướng xuất hành tốt để xuất hành Tết Ất Tỵ 2025

Đối với hoạt động xông đất, người xông nhà cần có vận khí tốt, gia đình hòa thuận, phúc đức, chính trực và nhân hậu. Hơn nữa, người xông đất cần có tuổi hợp với tuổi của gia chủ. Theo phong thủy, các nhóm tuổi hợp để xông đất cho nhau thường là Thân-Tí-Thìn, Tỵ-Dậu-Sửu, Hợi-Mão-Mùi và Dần-Ngọ-Tuất.

Hoạt động xông đất vào dịp Tết

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Từ sau đêm 30 tháng Chạp 

  • Địa điểm tổ chức: Khu vực sinh sống hoặc đến nhà họ hàng, người thân, bạn bè. 

1.6. Chúc Tết và lì xì

Chúc Tết và lì xì là các phong tục ngày Tết, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đây là văn hóa đặt tiền vào chiếc phong bao nhỏ có màu sắc rực rỡ để mừng tuổi trẻ em và người già hay phát lộc đầu năm cho mọi người xung quanh.

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Ngày đầu năm mới từ mùng 1-3 tháng Giêng, thậm chí kéo dài đến tận mùng 10 Tết.

  • Địa điểm tổ chức: nhà ông bà nội ngoại, nhà họ hàng, người thân, bạn bè,...

Các thành viên trong gia đình thường cùng nhau đi thăm và chúc Tết ông bà, cha mẹ ở nhà nội, nhà ngoại, mang theo quà để tỏ lòng kính trọng và chúc mừng gia chủ. Trong buổi gặp gỡ, con cháu chúc ông bà và người lớn tuổi sức khỏe dồi dào, may mắn và bình an trong năm mới. Đáp lại, người lớn thường trao cho con cháu một phong bao lì xì đỏ, hình chữ nhật, bên trong chứa những đồng tiền mới, mang ý nghĩa chúc con cháu gặp nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống.

Hoạt động chúc Tết và lì xì năm mới 

1.7. Đi chùa 

Lễ chùa đầu năm, một phong tục gắn bó sâu sắc với đạo Phật, đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi gia đình Việt. Hoạt động này không chỉ thể hiện lòng thành kính, hướng thiện mà còn là di sản văn hóa quý giá, được gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, góp phần làm phong phú thêm bản sắc dân tộc.

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Từ mùng 1-6 tháng Giêng

  • Địa điểm tổ chức: Chùa Hương - Hà Nội, Chùa Bái Đính - Ninh Bình, Chùa Tam Chúc - Nam Định,... hay các ngôi chùa quanh khu vực bạn sinh sống

Để lấy may đầu năm, bạn có thể đi chùa, dâng hương để bày tỏ lòng thành tới các vị Phật và cầu khấn cho một năm mới bình an. Đi lễ chùa đầu năm cũng là hoạt động với mục đích cầu bình an năm mới của người Việt. Ở miền Bắc, sau khi bái lễ, người dân thường có tục hái lộc đầu năm, chính là bẻ lấy một cành lộc lấy may mắn và đem về cắm ở bàn thờ.

Đi chùa cầu bình an đầu năm

1.8. Xin chữ đầu năm

Phong tục xin chữ bắt nguồn từ sự hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Mọi người thường rủ nhau đi xin chữ thầy đồ để treo trong nhà, như một cách gửi gắm những ước nguyện về một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc. Thầy đồ sẽ viết một chữ hoặc nhiều chữ Hán trên một tờ giấy lớn, với nội dung mang tính chúc tụng như Phúc, Lộc, Thọ, Tài, An Khang, Cát Tường, Như Ý… Tuy nhiên, bạn cũng có thể xin chữ Quốc ngữ nhưng thầy đồ sẽ viết theo dạng thư pháp rất đẹp.

 

Xin chữ thầy đồ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: từ ngày 20 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng 

  • Địa điểm tổ chức: Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Xin chữ đầu năm không chỉ là một phong tục truyền thống mà còn mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa Việt Nam. Mỗi chữ đều phản ánh khát vọng của người xin chữ từ gia đình hòa thuận, con cái thành đạt đến sự thành công trong cuộc sống. 

Hoạt động này không chỉ là cầu may mà còn là dịp để nhắc nhở về giá trị của tri thức, đạo đức, và những bài học ý nghĩa. Qua thời gian, tục lệ xin chữ đã trở thành biểu tượng cho sự trân trọng văn hóa, một thói quen đẹp mỗi độ Tết đến xuân về mà thế hệ sau cần gìn giữ và phát huy.

1.9. Đi tảo mộ

Tảo mộ là một phong tục lâu đời của người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất. Hoạt động này không chỉ thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" mà còn giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phong tục đi tảo mộ của người Việt

  • Thời điểm tổ chức/tham gia: Bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp 

  • Địa điểm tổ chức: Khu mộ của tổ tiên

Tảo mộ được thực hiện vào dịp cuối năm, khi các thành viên trong gia đình cùng nhau thăm viếng, quét dọn mồ mả tổ tiên, mang hương, hoa quả đến cúng, và mời ông bà, tổ tiên về nhà đón Tết. Trước khi bắt đầu dọn dẹp, người chủ gia đình thường thắp nhang, đèn và đọc văn khấn để xin phép tổ tiên. Đây không chỉ là một hành động thể hiện sự chu đáo mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Người xưa quan niệm rằng việc tảo mộ là cách kết nối với tổ tiên, mời ông bà về sum họp cùng con cháu, tạo nên không khí ấm áp và thiêng liêng trong dịp Tết cổ truyền.

Việc thực hiện các hoạt động ngày Tết như là một cách để người Việt Nam cầu chúc những điều may mắn, tốt lành cho một năm mới vạn sự như ý, gặt hái nhiều tài lộc. Hy vọng Biluxury có thể giúp bạn chuẩn bị chu đáo hơn cho các hoạt động ngày Tết thêm trọn vẹn. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến chương trình hay sản phẩm Biluxury, anh/chị có thể inbox trực tiếp qua Zalo OA để được hỗ trợ kịp thời. 


This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên